B ão Krathon ‘thần tốc’, tăng cấp chóng mặt, liệu tâm điểm độ bộ nước nào?

Tin Tức

Theo dự báo bão mới nhất, bão Julian (tên quốc tế là Krathon) đã mạnh lên thành bão nhiệt đới dữ dội và không loại trừ tăng cấp thành siêu bão. Trong 24 giờ tới, biển động mạnh với sóng cao lên đến 8m.

Bão gần Philippines mạnh lên dữ dội

Theo Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cho hay, vào hồi 4h ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc, 124,5 độ kinh đông, cách Aparri, Cagayan (Philippines) 305 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão 95 km/h, giật lên đến 115 km/h, áp suất trung tâm 990 hPa. Bão di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10 km/h. Phạm vi gió mạnh lan ra xa tới 450 km từ tâm bão.

 

 

Bão Julian (Krathon) mạnh lên thành bão nhiệt đới dữ dội ngày 29/9/2024. Ảnh: Windy.com.

Lao Động dẫn nguồn PAGASA cảnh báo gió mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h) ở Luzon, phần đông bắc của đất liền Cagayan (Santa Ana) và phần phía đông của quần đảo Babuyan trong 24 giờ tới, gây ra mối đe dọa nhỏ đến trung bình đối với tính mạng và tài sản.

Luồng gió hướng về phía hoàn lưu của bão nhiệt đới dữ dội Julian cũng có thể mang theo gió giật mạnh đến cấp bão trên các khu vực ven biển và vùng cao tiếp xúc với gió.

Cảnh báo trong 24 giờ tới, biển động mạnh với sóng cao lên đến 8m trên bờ biển Batanes; 6m trên bờ biển Quần đảo Babuyan; 4m trên bờ biển phía bắc của đất liền Cagayan và bờ biển phía bắc của Ilocos Norte; 3,5 m trên và phần còn lại của bờ biển Cagayan và bờ biển Isabela; 3m trên bờ biển của phần phía bắc Aurora.

Về đường đi và cường độ của bão, Julian dự kiến sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc đến tây tây bắc từ hôm nay đến sáng thứ Ba (ngày 1.10) hướng đến khu vực quần đảo Batanes-Babuyan, trước khi tăng tốc về phía bắc đến đông đông bắc qua vùng biển phía đông Đài Loan (Trung Quốc).

Theo dự báo đường đi của bão, khả năng bão đổ bộ hoặc tiếp cận gần vào ngày mai (ngày 30.9) trên quần đảo Batanes và/hoặc Babuyan là rất cao.

Julian sẽ tiếp tục tăng cường trong suốt thời gian dự báo và đạt cấp bão cuồng phong vào tối nay hoặc sáng sớm ngày mai. Có khả năng cao bão sẽ tăng cấp nhanh chóng và không loại trừ khả năng đạt cấp siêu bão. Bão sẽ ở gần quần đảo Batanes và/hoặc Babuyan nhất ở hoặc gần cường độ cực đại.

Điều đáng nói, Julian là cơn bão nhiệt đới thứ 10 của Philippines trong năm 2024 và cũng là cơn bão nhiệt đới thứ 6 chỉ tính riêng trong tháng 9.

 

 

Hình ảnh bão Jebi (phải) ngày 29/9/2024. Ảnh: PAGASA.

Ngoài ra, PAGASA cũng tiếp tục theo dõi bão nhiệt đới Jebi, hiện nằm ngoài khu vực dự báo của Philippines (PAR). Vào hồi 3h ngày 29/9, vị trí tâm bão Jebi ở vào khoảng 21,9 độ vĩ bắc, 114,9 độ kinh đông, cách Cực Bắc Luzon 2.075 km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt 65 km/h, giật 80 km/h. Bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 25km.

PAGASA trước đó cho biết, Jebi dự kiến sẽ không đi vào PAR. Bão có khả năng mạnh lên thành bão cuồng phong và đe dọa Đài Loan (Trung Quốc) vào tuần tới.

Jebi là cơn bão nhiệt đới thứ 17 của mùa bão 2024 ở Tây Thái Bình Dương và là cơn bão thứ 7 trong tháng 9 – tháng có số lượng bão cao nhất.

Vì sao trên thế giới bão ngày càng nhiều và mạnh dữ dội?

Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại. Nguyên nhân là do bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn nên hơi nước tích tụ cho đến khi mây tan, gây ra mưa lớn.

Đáng nói, thế giới đã ấm lên 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, tốc độ gió của bão có thể tăng đến 10%. NOAA cũng dự báo tỉ lệ bão đạt đến mức dữ dội nhất – cấp 4 hoặc 5 – có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này. Cho đến nay, chưa đến 20% các cơn bão đã đạt đến cường độ này kể từ năm 1851.

Theo Tiến sĩ Ben Clarke, thuộc Đại học Hoàng gia London và là thành viên của nhóm WWA: “Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo”.

Thời gian gần đây, trên thế giới không chỉ gây ra những cơn bão mạnh hơn, hiệu ứng nhà kính còn làm tăng mực nước biển dâng, gia tăng nguy cơ ngập lụt ở các vùng ven biển. Khi các cơn bão kết hợp với hiện tượng nước biển dâng, hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các cơn siêu bão, chúng ta cần có những giải pháp toàn diện.

Khả năng Biển Đông có thể xuất hiện 5 cơn bão trong ba tháng cuối năm

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, ENSO đang ở trạng thái trung tính khi nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo và trung tâm Thái Bình Dương từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 khoảng âm 0,5 độ C.

Dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong ba tháng 10-12 với xác suất 50-70%. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, tức 4-5 cơn trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, La Nina sẽ tiếp diễn trong ba tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung vào Trung Bộ và phía Nam. “Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông”, trung tâm nhận định.

Ngoài ra, cảnh báo thời gian tới nhiều nơi có mưa to. Dự báo lượng mưa vượt mức trung bình nên lũ trên cả nước diễn biến phức tạp.