Giá vàng miếng SJC hôm nay đứng im trong khi giá vàng nhẫn 9999 vượt xa mốc 84 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, sáng ngày 17-10, giá vàng miếng SJC tiếp tục giữ ổn định ở mức 84 triệu đồng/lượng (mua) và 86 triệu đồng/lượng (bán), không thay đổi so với chốt phiên chiều qua.
Vàng nhẫn 9999 ngược chiều vàng miếng SJC
Ở chiều ngược lại, giá vàng nhẫn 9999 giữ vững đà tăng, xác lập một kỷ lục mới. Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết ở mức 82,9 – 84,1 triệu đồng/lượng, cao hơn 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua.
Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng thêm 150.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, đẩy giá mua – bán vàng nhẫn 9999 hiện ở mức 83,3 – 84,3 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng nhẫn trơn tại DOJI cũng được đẩy lên mốc 83,45 – 84,45 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ, giá vàng nhẫn 9999 tại đây đã bật lên 82,6 – 84,6 triệu đồng/lượng. Đây là vùng giá cao nhất của vàng nhẫn 9999 trong lịch sử giao dịch tại thị trường trong nước. Đồng thời chênh lệch giá mua – bán vàng nhẫn 9999 cũng được một số doanh nghiệp lớn nới rộng lên tới 2 triệu đồng/lượng, do “cháy hàng” trong suốt thời gian dài.
Giá vàng nhẫn 9999 xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục leo dốc, từ mức 2.675 USD/ounce trong phiên hôm qua lên 2.682 USD/ounce. Đây cũng là mức giá kỷ lục mới của kim loại quý màu vàng. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 81,5 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang đắt hơn 4,5 triệu đồng/lượng, và vàng nhẫn đang cao hơn từ 2,5 – 2,7 triệu đồng/lượng tùy doanh nghiệp. Số liệu cho thấy chênh lệch giữa giá vàng nhẫn 9999 tại thị trường trong nước và thế giới đã rút ngắn khá mạnh so với những ngày trước.
Giá vàng còn nhiều dư địa để “leo dốc”
Theo ông Ronnie Stoeferle – Đối tác quản lý tại Incrementumt: “Kể từ tháng 12-2023, tính theo USD và từ tháng 10-2023 tính theo đồng Euro, giá vàng thế giới đã liên tục thiết lập những mốc giá cao kỷ lục. Thật khó để tưởng tượng rằng suốt 4 năm trước thời điểm nêu trên, giá vàng thế giới nhiều lần không thể vượt qua mốc 2.000 USD/ounce. Thời điểm này, trong vòng chưa đầy sáu tháng, giá vàng đã tăng hơn 30%, lên hơn 2.600 USD/ounce Mỹ.
Ngoài yếu tố lạm phát, nhu cầu vàng vẫn ở mức cao được xem là động lực chính thúc đẩy giá vàng thế giới tiếp tục leo dốc. Trong số các ngân hàng trung ương, Trung Quốc đang giảm đáng kể tốc độ tích lũy vàng trong quý II vừa qua nhưng Ấn Độ lại bất ngờ tăng tốc mua vàng. Cụ thể, trong quý II-2024, Ấn Độ đã tăng dự trữ vàng của mình thêm 18,7 tấn và Ngân hàng Ấn Độ đã tăng khối lượng dự trữ vàng thêm 4,6% chỉ trong nửa đầu năm nay.
“Diễn biến này không có gì đáng ngạc nhiên bởi theo kết quả khảo sát dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2024 do Hội đồng Vàng Thế giới công bố vào tháng 6. Trong đó có 66% các ngân hàng trung ương được khảo sát cho biết họ kỳ vọng tỉ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối sẽ tăng trong 5 năm tới đây. Trong khi đó, vào năm 2022, con số này chỉ là 46%.
Tương tự, tỉ lệ các ngân hàng trung ương cho rằng vàng sẽ đóng vai trò nhỏ hơn trong kho dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh từ 24% xuống 13%. Không một ngân hàng trung ương nào hiện kỳ vọng lượng vàng nắm giữ của mình sẽ giảm trong năm tới mà có tới 81% kỳ vọng tỉ lệ dự trữ ngoại hối bằng vàng sẽ tăng. Con số này trong khảo sát năm 2021 chỉ là là 52%” – ông Stoeferle nói.