Báo Tiền Phong ngày 29/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Làng Nủ, chuyện chưa kể Kỳ 1: ‘Sốc’ khi đặt chân đến Làng Nủ” cùng nội dung như sau:
Chet lặng trước cảnh hoang tàn
Chúng tôi đến Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) sau gần một tháng cán bộ, chiến sĩ từ thôn Làng Nủ trở về đơn vị. Trong ký ức của Trung tá Nguyễn Ngọc Ba – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, đêm 10/9 là một đêm thức trắng. Ngày hôm đó, anh chỉ huy đơn vị thực hiện nhiệm vụ giúp dân chống lũ ở huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) dưới trời mưa giông tầm tã như muốn xé toạc lớp áo mưa quân trang dày cộp của chiến sĩ.
Các chiến sĩ Trung đoàn 98 không quản nguy hiểm tìm kiếm người mất tích ở Làng Nủ
Tối muộn, toàn đơn vị vừa tập kết về vị trí, ăn vội bữa tối, chưa kịp ngả lưng thì 23 giờ, chuông điện thoại đổ liên hồi. Anh nhấc máy, tiếng của đồng chí Sư đoàn trưởng ra lệnh: “Đơn vị nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, cơ động gấp lên huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích ở thôn Làng Nủ”.
Lệnh khẩn ngay lập tức được truyền trong đêm từ chỉ huy Trung đoàn đến từng chiến sĩ. Nghe lệnh, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, quân trang, các vật dụng cần thiết sẵn sàng hành quân.
“Thực hiện nhiệm vụ tại Làng Nủ rất gian nan, nguy hiểm, là “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi chiến sĩ tự nhủ mình rằng phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy Quân đội ta là quân đội của dân, do dân và vì dân, vậy nên những gửi gắm của nhân dân thì bộ đội phải cố gắng bằng mọi cách để thực hiện được”.
Binh nhất Bùi Kim Viện
“Không khí khi đó sục sôi như bước vào trận chiến đấu mới. 5 giờ sáng hôm sau, trời vẫn tối mịt, mưa xối xả không ngừng. Dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu cũng không làm chùn bước chân của 300 cán bộ, chiến sĩ. Những đoàn xe nối đuôi nhau ôm cua qua những sườn núi nguy cơ sạt lở đang chực chờ”, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba kể.
Trong quá trình hành quân vào Làng Nủ, nhiều đoạn bị sạt lở, khiến cho việc cơ động của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn và tốc độ hành quân chậm đi. Hơn 10 giờ trưa, đơn vị hành quân đến km 78, Quốc lộ 70. Từ đây, đoàn quân chia làm hai hướng. Một hướng cơ động bằng ô tô theo đường đi qua xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên), để tiếp cận được Làng Nủ. Hướng còn lại bộ đội đeo ba lô, vật chất đi bộ dọc sông Chảy, vượt qua nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, có chỗ bùn ngập rất sâu để vào hiện trường cứu dân.
“Khoảng 13 giờ hôm sau chúng tôi tiếp cận được hiện trường. Khi tiếp cận ai nấy đều bị “sốc”, nhiều người không cầm được nước mắt. Bởi trước mắt chúng tôi là một bình địa lổm nhổm cọc gỗ, mái tôn, xe máy, xác động vật sộc lên mùi tanh nồng. Nước vẫn cuồn cuộn chảy thành dòng từ trên cao xuống đục ngầu. Người thân thoát nạn trở về, tiếng gào thét ai oán”, Đại úy Hoàng Thế Anh, Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 8 nhớ lại.
Các chiến sĩ Trung đoàn 98 đưa thi thể đi nhận dạng
Chứng kiến cảnh tượng tang thương, Binh nhất Triệu Văn Tiến, Tiểu đoàn 8 nhớ lại: “Tôi như chết lặng trước đống bùn nhão, cây cối đổ gãy, dưới lớp bùn sâu là tài sản và những người dân bị nạn vẫn còn nằm lại. Tôi, đồng đội đã động viên nhau càng khó khăn, càng phải nỗ lực để tìm kiếm những nạn nhân xấu số”.
Dưới đống bùn đó là một bản làng…
Sau bữa ăn tạm bằng bánh mì khi trời đã xế chiều, 300 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Khu vực sạt lở, tìm kiếm kéo dài từ thủy điện Long Phúc (xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên) ngược theo bờ suối 10km lên Làng Nủ.
Binh nhất Lù Văn Toán hồi tưởng, ngay buổi chiều đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, tình huống “nước lũ về” nằm ngoài dự kiến, không kịp chuẩn bị vật chất, dụng cụ chính quy như khi ở đơn vị. Trong tình huống đó chiếc bình ga hỏng đã trở thành “chiếc kẻng đặc biệt” và cái xà beng cũng trở thành “cái búa đặc biệt” để báo động giúp cho cán bộ, chiến sĩ kịp thời cơ động lên vị trí an toàn.
Tiếp lời Binh nhất Lù Văn Toán, Trung sĩ Đặng Văn Hùng, Tiểu đoàn 8 cho hay, khi vừa đến nơi, mọi người bắt tay ngay vào tìm kiếm những người mất tích. Trong quá trình tìm kiếm, Hùng được nghe người dân may mắn sống sót kể lại rằng “dưới đống bùn đó là một bản làng”.
“Chúng tôi sững người khi nghe câu nói đó, không tin vào tai, mắt mình khi dưới đó từng là một ngôi làng thanh bình với tiếng trẻ con nô đùa rộn rã, những người nông dân hăng say lao động. Như chợt bừng tỉnh, ngay trong buổi chiều đó chúng tôi với quyết tâm cao nhất là tìm kiếm được những nạn nhân mất tích”, Trung sĩ Hùng kể lại.
Số người bị vùi lấp ở Làng Nủ rất lớn. Sau khi tìm kiếm khoảng 1 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ đã tìm thấy thi thể đầu tiên. “Khi được đưa lên khỏi bùn, thi thể không còn nguyên vẹn. Mỗi chúng tôi đều tự hứa rằng sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm các nạn nhân khác đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng”, Trung sĩ Nguyễn Đức Quyến nước mắt lưng tròng, hồi ức.
Sau những ngày tìm kiếm, số nạn nhân được tìm thấy tăng lên, cùng với đó là những cỗ quan tài được vận chuyển về xếp chồng lên nhau khiến không khí càng thêm tang thương. Khi nạn nhân được tìm thấy, xác định được danh tính, các chiến sĩ giúp gia đình có người tử vong đưa đến điểm chôn cất.
“Quãng đường đến điểm chôn cất rất xa, cùng với việc trời mưa không ngớt, đường đi bị chặn lại do sạt lở. Chúng tôi phải băng rừng, vượt núi khiêng quan tài đến nơi cho kịp giờ làm lễ mai táng theo tục lệ để người dân yên tâm”, Trung sĩ Ngô Trung Hiếu, Tiểu đoàn 8 chia sẻ.
Còn Binh nhì Cháng Ngọc Phúc, Tiểu đoàn 8 nhớ lại, anh và đồng đội được giao nhiệm vụ giúp dân đào huyệt, khiêng quan tài kịp thời an táng những người đã khuất. Đây là lần đầu tiên Phúc làm việc này, vì người dân nên mọi nỗi sợ gần như tan biến.
Phúc và đồng đội đã cố gắng vượt qua khó khăn của địa hình, điều kiện thời tiết để công việc không bị gián đoạn. Dù phải vượt núi, men qua những quả đồi sập xuống lúc nào không hay, nhưng ai nấy đều cố gắng vượt qua.
Binh nhất Lù Văn Toán kể, trong lúc đưa nạn nhân đi chôn cất, anh không may trượt chân ngã và bị quan tài đè lên người. “Khi được mọi người nhấc cỗ quan tài ra, chân tay tôi run lẩy bẩy. Nhưng một phút trấn tĩnh tinh thần tôi tiếp tục làm nhiệm vụ”, Binh nhất Lù Văn Toán kể.
Trước đó, báo Lao Động ngày 11/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Người dân Làng Nủ bắt đầu cuộc sống mới sau bão lũ”. Nội dung được báo đưa như sau:
Quay trở lại thôn Làng Nủ vào những ngày đầu tháng 10, PV Báo Lao Động ghi nhận các hoạt động sinh hoạt của người dân sau bão lũ lịch sử.
Sau khi mất mát nhà cửa và ruộng vườn, bà con thôn Làng Nủ đang từng ngày mong ngóng sớm có một mái nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.
Trong khi chờ đợi khu tái định cư được gấp rút hoàn thiện, người dân sẽ được sắp xếp, bố trí sống ở những ngôi nhà tạm.
Tại không gian nhỏ bé của nơi ở tạm, hàng chục người dân có chung hoàn cảnh sống cùng với nhau ở một khu vực.
Mọi sinh hoạt thường ngày cũng dần đi vào ổn định. Mọi người động viên, hỗ trợ nhau trong việc nấu nướng, ăn uống, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Ông Hoàng Văn Vọ – một trong những hộ dân bị mất cả nhà cửa lẫn người thân chia sẻ: “Vậy là đã tròn một tháng, vợ con tôi ra đi vì trận lũ quét kinh hoàng. Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai nhưng giờ phải gác lại sự đau thương để sống tốt hơn”.
“Bà con trong thôn đã ổn định lại cuộc sống cũng như hỗ trợ lo ma chay cho người đã khuất sau thời gian tìm kiếm người mất tích”, ông Vọ tâm sự.
Hiện tại, người đàn ông này đã đi làm trở lại với công việc chăm sóc những cây quế còn sót lại sau trận bão lũ.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở khu tạm cư, anh Nguyễn Văn Tuấn – người mất nhà cửa, bố mẹ và một người con sau trận lũ quét cho biết, quá trình vực dậy sẽ rất khó khăn nhưng vẫn phải cố gắng để làm chỗ dựa cho những người thân còn lại.
“Tôi may mắn sống sót sau trận lũ kinh hoàng và ra viện cũng khoảng hơn 2 tuần nay rồi. Gia đình tôi sẽ tiếp tục cấy cày, sinh hoạt để sớm ổn định cuộc sống”, anh Tuấn nói.
Ông Hoàng Ngọc Xử – Bí thư thôn Làng Nủ cho hay: “Cuộc sống của người dân trong thôn hiện tại đã tạm thời ổn định. Bà con đã có nhà tạm cư để ở. Trẻ nhỏ đã bắt đầu đi học, người lớn đi làm ở trở lại”.
Theo Bí thư thôn Làng Nủ Hoàng Ngọc Xử, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, động viên và chia sẻ với những đau thương, mất mát của bà con để họ vươn lên nghịch cảnh.
“Chính quyền các cấp rất quan tâm chia sẻ, động viên với nhân dân cũng như hỗ trợ chính sách của Nhà nước; đồng thời kết nối với các đoàn thiện nguyện để giúp bà con tái thiết lại cuộc sống”, ông Hoàng Ngọc Xử chia sẻ.
Ngày 11.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh Nông Thế Mạnh cho biết: Sau 1 tháng xảy ra trận lũ quét lịch sử, cuộc sống người dân cơ bản đã bắt đầu trở lại.
Việc hoàn thành khu tạm cư đã giúp người dân mất nhà cửa có nơi để ở. Còn khu tái định cư hiện đang làm mặt bằng, vài ngày nữa sẽ xây dựng căn nhà đầu tiên.
“Những vấn đề tốt nhất, cần làm nhất đều sẽ ưu tiên dành cho thôn Làng Nủ. Huyện và tỉnh đang khảo sát để hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi nhằm phục hồi hoạt động sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh Nông Thế Mạnh thông tin thêm.
Nguồn : https://sohuutritue.net.vn/lang-nu-chuyen-chua-ke-ky-1-soc-khi-dat-chan-den-lang-nu-d246376.html