Nghịch lý người học càng cao càng dễ thất nghiệp đang xảy ra ở quốc gia này tại châu Á, khiến nhiều bạn trẻ chán nản.
Mới đây, báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy những nhân công có học thức càng cao thì càng dễ thất nghiệp hơn những lao động không được đào tạo chính quy ở Ấn Độ.Cụ thể, số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động có bằng đại học tại Ấn Độ lên đến 29,1%, cao gấp 9 lần so với con số 3,4% của những người không biết chữ (không biết đọc hay viết). Tỷ lệ thất nghiệp của những học sinh tốt nghiệp cấp 2-3 tại Ấn Độ cũng đạt 18,4%, cao gấp 6 lần so với lao động thất học.
“Tình trạng thất nghiệp đang trở thành vấn đề lớn với giới trẻ Ấn Độ, nhất là những lao động có trình độ và sự căng thẳng này ngày một gia tăng nhiều hơn”, báo cáo của ILO ghi rõ.
Những gì ILO công bố cho thấy sự bất hợp lý giữa kỹ năng của người lao động với cơ hội việc làm trên thị trường.
Đồng thời, số liệu này là bằng chứng cho cảnh báo của Cựu Thống đốc Raghuram Rajan của Ngân hàng trung ương Ấn Độ về trình độ thấp của lao động nước này sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế theo thời gian.
“Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Ấn Độ cao hơn nhiều so với toàn cầu. Nền kinh tế Ấn Độ chưa tạo ra được đủ nhiều việc làm trong mảng phi nông nghiệp nhằm đáp ứng lượng cung lao động trẻ có trình độ, khiến tỷ lệ thất nghiệp của người có bằng cấp vẫn ở mức cao”, báo cáo của ILO đánh giá.
Để so sánh, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi 16-24 tại Trung Quốc vào khoảng 15,3% trong 2 tháng đầu năm nay và đã bị đánh giá là khá cao.
Thế nhưng tại Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi 15-29 chỉ giảm nhẹ từ 88,6% năm 2000 xuống 82,9% năm 2022. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ có trình độ lại tăng từ 54,2% lên 65,7% cùng kỳ. Đây quả là con số đáng buồn, thể hiện một nghịch lý khiến nhiều người không thể chấp nhận được.
Báo cáo của ILO cũng cho thấy sự gia tăng của những công việc tạm thời, bán thời gian, có mức lương thấp như giao đồ ăn. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã gia tăng cơ hội việc làm nhưng trên thực tế không sử dụng hết tiềm năng của người lao động trẻ cũng như vùi dập khá nhiều ước mơ xây dựng sự nghiệp của những sinh viên mới ra trường tại Ấn Độ.
Tình trạng này cũng đang xuất hiện ở Việt Nam. Theo VnEconomy, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 7,21%; năm 2021, tỷ lệ này là 8,55% và là năm cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình việc làm của thanh niên dù có sự chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm hơn 7,7%, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp.
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn. Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Lê Văn Thanh nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ chuyển sang dân số già, điều này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lực lượng lao động thanh niên.
Theo An ninh Tiền tệ
Nguồn : https://songdep.com.vn/348-nghich-ly-cuoc-doi-nguoi-tre-hoc-cang-cao-cang-de-that-nghiep-d22871.html