Vận hành tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội từ 8/8, chở khách miễn phí trong 15 ngày

Tin Tức

(Dân trí) – Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã chốt lịch vận hành đoạn trên cao của metro Nhổn – Ga Hà Nội sau chuyến thị sát của lãnh đạo thành phố.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Hanoi Metro, cho biết doanh nghiệp đã xong các bước chuẩn bị và sẵn sàng vận hành tuyến tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội ngay khi chủ đầu tư bàn giao.

Các phần việc đã được triển khai gồm xác định giá vé, xây dựng phương án vận hành, duy tu, bảo dưỡng…

Mở cửa miễn phí trong 15 ngày đầu

Theo kế hoạch, đoạn trên cao của metro Nhổn – Ga Hà Nội đã hoàn tất toàn bộ thủ tục nghiệm thu và sẽ mở cửa đón khách vào ngày 8/8.

“Đó là tin vui nhất với cán bộ, nhân viên của Hanoi Metro trong năm 2024. Sau gần 3 năm vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông, chúng tôi sắp được tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị thứ 2 của thủ đô”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội là 2 mảnh ghép đầu tiên trong mạng lưới 14 tuyến metro theo quy hoạch của thủ đô Hà Nội (Đồ họa: Ngọc Tân). 

Theo Nghị quyết của HĐND thành phố,  tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội sẽ chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu. Ưu đãi này cũng từng được áp dụng tại dự án Cát Linh – Hà Đông.

Sau 2 tuần chạy miễn phí, Hanoi Metro sẽ chính thức bán vé. Giá vé đi cả tuyến từ Nhổn đến Cầu Giấy dự kiến là 12.000 đồng; giá vé ngày là 24.000 đồng. Mức giá này thấp hơn tuyến Cát Linh – Hà Đông do chiều dài tuyến ngắn hơn (8,5km so với 13km). Giá vé có thể sẽ thay đổi sau khi dự án thông nốt 4km đi ngầm.

Đối với vé tháng, mức giá sẽ ngang bằng tuyến Cát Linh – Hà Đông là 200.000 đồng/tháng với hành khách thường và 100.000 đồng/tháng với hành khách là học sinh/sinh viên.

Về lịch chạy tàu: Dự kiến, đoàn tàu Nhổn – Ga Hà Nội sẽ hoạt động từ 5h30 và kết thúc lúc 22h hàng ngày. Trong 3 tháng đầu, tần suất chạy tàu là 10 phút/chuyến. Sau 3 tháng, tần suất có thể đẩy lên 6 phút/chuyến vào giờ cao điểm.

Các chính sách miễn phí, giảm giá, bảo hiểm… cho từng nhóm khách hàng sẽ được duy trì giống như tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Thời gian qua, Hanoi Metro đã triển khai đồng loạt 7 công việc gồm (1) xây dựng bộ máy để tiếp nhận dự án; (2) tuyển dụng và đào tạo nhân sự; (3) vận hành thử; (4) rà soát quy trình duy tu bảo dưỡng, quy trình vận hành; (5) phối hợp đánh giá an toàn hệ thống; (6) xây dựng phương án vận hành; (7) xây dựng đơn giá tạm, chính sách giá vé.

Đến nay 7 nhóm công việc đã được triển khai đúng tiến độ.

 

Đội ngũ lái tàu của metro Nhổn – Ga Hà Nội đã sẵn sàng phục vụ hành khách (Ảnh: Ngọc Tân). 

“Chúng tôi đã tiếp cận với dự án Nhổn – Ga Hà Nội từ sớm. Tất cả kinh nghiệm, bài học rút ra từ gần 3 năm vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông đều được chúng tôi áp dụng khi tiếp nhận, vận hành tuyến này”, lãnh đạo Hanoi Metro chia sẻ.

Metro Nhổn – Ga Hà Nội có thể đông khách hơn Cát Linh – Hà Đông

Dấu mốc khai trương tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội cũng đồng thời kết thúc chuỗi ngày “đơn độc” của tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Sự bổ trợ giữa 2 tuyến metro được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân thủ đô.

 

Hai tuyến metro được kỳ vọng giúp giảm phương tiện cá nhân tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân). 

Về hướng tuyến, metro Nhổn – Ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông sẽ kết nối với nhau tại Cát Linh. Hà Nội đã có phương án xây hầm đi bộ cắt qua phố Hào Nam để hành khách từ ga Cát Linh có thể đi sang ga ngầm S10.

Điều đáng tiếc là đoạn đi ngầm của metro Nhổn – Ga Hà Nội chưa hoàn thành. Trước mắt, thành phố sẽ kết nối 2 tuyến tàu điện này bằng xe buýt và xe đạp công cộng.

“Công nghệ của tuyến Nhổn – Ga Hà Nội hiện đại hơn, khả năng thu hút khách sẽ ngang bằng, thậm chí hơn tuyến Cát Linh – Hà Đông vì nó đi qua rất nhiều trường đại học”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

 

Ông Phạm Công Linh, Trưởng trung tâm điều độ chạy tàu của tuyến Cát Linh – Hà Đông, được cử sang làm nhiệm vụ tại tuyến Nhổn – Ga Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân). 

Thời gian qua, các cán bộ, nhân viên tốt nhất của tuyến Cát Linh – Hà Đông đã được huy động để tăng cường cho tuyến Nhổn – Ga Hà Nội. Nhân lực theo biên chế cho tuyến này là 524 người gồm cán bộ quản lý, lái tàu, nhân viên phục vụ.

Tuyến Nhổn – Ga Hà Nội cũng có một nhóm lái tàu phải chờ đợi “mòn mỏi” suốt nhiều năm vì dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, nhóm này đỡ vất vả hơn vì được bố trí các công việc tạm thời tại tuyến Cát Linh – Hà Đông.